Trường đua ngựa sân chơi đầu tư mới cho giới bất động sản

Written by vinhomesgardenia

Một chính sách mới về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế dự kiến thí điểm loại hình này trong 5 năm đang được Chính phủ nghiên cứu khiến “cuôi chơi” của các đại gia càng thêm sôi động.

Dù thông tin chi tiết về một dự án trường đua ngựa của Tập đoàn Matrix Holdings Limited (Hồng Kông) tại Đà Nẵng chưa được tiết lộ. Song, nhiều khả năng tập đoàn này đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng ở Khu thể thao phức hợp Hòa Xuân, với mục tiêu nhân giống, nuôi dưỡng và huấn luyện ngựa dùng trong thi đấu, cũng như khai thác các dịch vụ tiện ích đi kèm, như cá cược, khu vui chơi giải trí…Quy mô vẫn chưa được “chốt”.
Hàng loạt đại gia bất động sản khác ở Việt Nam cũng đang lên kế hoạch xây dựng các dự án trường đua ngựa trăm triệu đô, đó đều là những dự án đã được lên sẵn cách đây nhiều năm.
Có thể kể tới như mới đây nhất là động thái tái khởi động dự án trường đua ngựa 500 triệu USD của Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Công ty CP Global Consultant Network. Sau 9 năm bất động, dự án vừa được 2 công ty vừa ký thoả thuận hợp tác đầu tư.
Đó là một Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf tiêu chuẩn 5 sao tại Sóc Sơn (Hà Nội), với tổng diện tích 1.200ha và khi hoàn thiện sẽ trở thành một trường đua ngựa đẳng cấp thế giới.
Hay mới đây, đại gia địa ốc “Dũng lò vôi”, ông chủ công ty Đại Nam cũng sẽ “cắt” khoảng 60ha đất ngay trong khu du lịch Đại Nam để đầu tư một trường đua ngựa trị giá hơn 100 triệu USD. Trong 60ha này, có khoảng 30ha được dành để xây dựng khán đài, bãi xe có mái che với quy mô gần 60.000 người.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án trường đua ngựa khác trên khắp cả nước cũng đang rục rịch khởi động. Đơn cử như giữa tháng 6 vừa qua Công ty Golden Turf Club Pty Ltd cũng đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trường đua ngựa Phú Yên.
Dự án theo kế hoạch được triển khai trên diện tích hơn 134 ha tại An Phú (TP. Tuy Hòa) và xã An Chấn (huyện Tuy An), với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Golden Turf dự kiến xây dựng một sân vận động đạt chuẩn cao cấp, có khán đài, đường đua ngựa, đua chó ở bên trong và khu du lịch cao cấp phục vụ trường đua. Giai đoạn I của Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2017, còn toàn bộ Dự án là năm 2019.
Mới đây, tập đoàn đầu tư của Úc tại Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận của UBND tỉnh Bình Phước, trong việc mở một trường đua ngựa tại đây. Theo đó, dự án này do công ty Giải trí Bình Phước trên diện tích gần 80ha, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.
Giáp ranh với tỉnh Bình Phước, công ty TNHH Thiên Mã – Madagui cũng đang xin chủ trương đầu tư một trường đua ngựa tại huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), có diện tích khoảng 60ha với tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD. Hiện chính quyền địa phương đã thông qua quy hoạch tổng thể mặt bằng dự án này.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang xem xét đầu tư dự án một trường đua ngựa trị giá gần 158 triệu USD của hai doanh nghiệp nước ngoài đề xuất trên diện tích 150ha.
Tại Long An, với tổng vốn đầu tư khoảng 160 triệu USD, công ty CP Địa ốc Hồng Phát cũng đang lập hồ sơ, thủ tục pháp lý để xin chủ trương đầu tư một trường đua ngựa tại huyện Đức Hoà.
Tỉnh Long An cũng cho biết, đây là khu vực đất hoang hoá, không trồng lúa được, nên tỉnh sẽ lập quy hoạch tổng thể để phát triển loại hình dự án này, tạo điểm nhấn và thu hút du lịch về tỉnh.
Có thể thấy, sự sôi động đầu tư vào trường đua ngựa ở các dự án BĐS du lịch đang nổi lên, đặc biệt sau khi có thông tin Chính phủ đang nghiên cứu và sẽ ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế dự kiến thí điểm kinh doanh loại hình này trong 5 năm.
Năm ngoái, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, đồng thời xây dựng riêng nghị định về kinh doanh lĩnh vực này, nghị định về kinh doanh cá cược đua chó, đua ngựa sẽ được tách riêng ra. Tuy nhiên, từ đó tới nay, chưa có nhiều thông tin liên quan đến hai dự thảo nghị định này.
Cuối tháng 6 vừa qua, khi rà soát và góp ý các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã bày tỏ một số quan điểm liên quan đến dự thảo Nghị định về kinh doanh cá cược đua ngựa, đua chó…
Theo đó, VCCI cho rằng, cần xem xét tính cần thiết của việc quy định luôn trong nghị định này mức đặt cược tối thiểu và tối đa, mà thay vào đó, để đảm bảo tính hợp lý của các mức đặt cược, thì nên điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Liên quan tới quy định về điều kiện và quy trình chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trường đua ngựa, đua chó, VCCI cho rằng, khái niệm “năng lực quản trị tốt, năng lực tài chính vững mạnh” là định tính, không rõ ràng. “Nếu không quy định cụ thể thì sẽ rất khó đánh giá và tạo dư địa cho nhũng nhiễu, hoặc thi hành thiếu thống nhất”, các chuyên gia của VCCI bày tỏ quan điểm.
Theo dự thảo Nghị định, các nhà đầu tư muốn thực hiện dự án trong lĩnh vực này “phải có năng lực quản trị tốt, năng lực tài chính vững mạnh và có mức vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng đối với hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa và tối thiểu là 300 tỷ đồng đối với hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó…”.
Trong khi dự thảo trên vẫn còn đang bàn thảo và nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng trong vòng vài tháng trở lại đây, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã bắt đầu “đặt cược” với cuộc chơi lớn này do tiềm năng khai thác còn khá lớn.
Đăng Khải

Theo Trí thức trẻ

Bài viết liên quan